Image
Blogs

Ứng dụng tâm lý học màu sắc và cách phối màu trong Brand Identity

Posted on  10 June, 2024
logo

Có một sự thật là màu sắc tác động sâu sắc đến suy nghĩ và hành vi của con người. Nó có khả năng hình thành nhận thức và thậm chí thúc đẩy việc ra quyết định. Chẳng hạn như màu đỏ được chứng mình có khả năng kích thích cảm giác thèm ăn, do đó, gam màu này được sử dụng phổ biến bởi các thương hiệu Đồ ăn nhanh (KFC, Lotteria, Pizza Hut). 

Vì vậy, việc lựa chọn màu sắc cho thiết kế Brand Identity không đơn giản là câu chuyện về tính thẩm mỹ! Nó là quá trình các thương hiệu ứng dụng Tâm lý học màu sắc, cũng như nguyên tắc phối màu nhằm tạo nên một Bộ nhận diện thương hiệu mạnh mẽ.

Tiếp nối các bài viết về chủ đề “Brand Identity”, trong bài viết này, hãy cùng đi sâu khám phá ý nghĩa đằng sau mỗi màu sắc, cũng như các cách phối màu phổ biến hiện nay!

Nguyên lý cơ bản về màu sắc

Trước khi bàn về tâm lý học màu sắc và cách phối màu trong thiết kế Brand Identity, hãy cùng tìm hiểu sơ qua một số thuật ngữ chuyên môn liên quan đến nguyên lý màu sắc trong thiết kế. Việc hiểu rõ các khái niệm này sẽ giúp bạn tiếp nhận bài viết một cách trọn vẹn hơn.

1. Phân biệt các thuật ngữ cơ bản về màu sắc

  • Màu sắc (Colors): Thuật ngữ chung, bao hàm tất cả các Hue, Tint, Shade, Tone khác nhau mà chúng ta nhìn thấy. Trong đó, các màu như trắng, đen, xám cũng được xem là một phần của “Colors”.
  • Màu gốc (Hues): Thuật ngữ đề cập đến nguồn gốc của một màu sắc nhất định. Ví dụ: các màu như xanh nước biển, xanh da trời, xanh navy đều thuộc màu gốc là “Blue”. Khác với Color, các màu Trắng, đen, xám không được xem là “Hue”.
  • Sắc thái (Shades): Là các gam màu tối hơn của một màu, được tạo ra bằng cách pha thêm đen vào màu.
  • Sắc độ (Tints): Là các gam màu sáng hơn của một màu, được tạo ra bằng cách pha thêm trắng vào màu.
  • Tông màu (Tones): Là các gam màu trung tính hơn của một màu, được tạo ra bằng cách pha thêm xám vào màu.
  • Độ bão hòa (Saturation): Là thước đo mức độ tinh khiết hoặc cường độ của màu. Trong khi màu có độ bão hòa cao sẽ trông vô cùng rực rỡ và mãnh liệt, màu có độ bão hòa thấp có vẻ mờ hơn hoặc nhạt hơn.
  • Giá trị (Value): Là chỉ số phản ánh mức độ sáng – tối của một màu phản chiếu tới mắt người nhìn. Trong đó, màu sáng hơn sẽ có giá trị (value) cao hơn, ví dụ như màu vàng có value cao hơn so với màu tím hoặc màu xanh dương.

2. Bánh xe màu sắc

Bánh xe màu sắc trong Brand Identity

Bánh xe màu sắc (Color wheel) là một công cụ trực quan trong thiết kế, thể hiện mối quan hệ giữa các màu sắc và hỗ trợ việc phối màu. Nó được sắp xếp dưới dạng hình tròn với 12 màu, bao gồm:

  • 3 màu cơ bản (Primary Colors): chỉ những màu không thể tạo ra bằng cách kết hợp hai hoặc nhiều màu khác với nhau trên bánh xe màu sắc (Đỏ, Vàng và Xanh lam).
  • 3 màu thứ cấp (Secondary Colors): được tạo ra bằng sự pha trộn bất kỳ 2 trong 3 màu cơ bản (Cam, Xanh lục và Tím).
  • 6 màu tam cấp (Tertiary Colors): được tạo ra bằng sự pha trộn của 1 màu cơ bản và 1 thứ cấp đứng gần nhau trên bảng màu. 

3. Màu nóng, màu lạnh và màu trung tính

  • Màu nóng và màu lạnh: Khi cắt đôi bánh xe màu sắc làm 2 nửa, chúng ta có được nhóm màu nóng nằm bên trái (đỏ, cam & vàng) và nhóm màu lạnh nằm bên phải (tím, xanh lam & xanh lục). Trong khi các tone màu nóng thường gắn liền với niềm đam mê và cảm giác phấn khích. Các tone màu lạnh lại tạo ra một không gian thanh bình, yên tĩnh và chuyên nghiệp.
  • Màu trung tính: Là các màu sắc không nằm trên Bánh xe màu sắc và thuộc về một màu gốc (Hues) nào cả. Các màu trung tính (Trắng, xám, nâu & đen) thường được sử dụng ở phần background. Chúng không chiếm quá nhiều sự chú ý, nhưng lại hỗ trợ, làm nổi bật các màu chủ đạo trong thiết kế.

Trong thiết kế Brand Identity, các màu trung tính không chỉ đóng vai trò phụ trợ, mà được sử dụng phổ biến như một gam màu chủ đạo. Cùng với những gam màu nóng và lạnh, các màu trung tính có khả năng khơi gợi những cảm xúc vô cùng đặc biệt đến người xem. Cùng tìm hiểu sâu hơn về những yếu tố này trong phần tiếp theo về “Tâm lý học màu sắc”.

Tâm lý học màu sắc trong thiết kế Brand Identity

Tâm lý học màu sắc đặc biệt quan trọng trong xây dựng thương hiệu (Branding). Màu sắc thương hiệu (Brand Colors) có thể tác động đến nhận thức của người dùng, thậm chí cả quyết định mua hàng của họ. 

Bằng cách hiểu tâm lý đằng sau màu sắc, các thương hiệu có thể đưa ra những lựa chọn phù hợp cho thiết kế Brand Identity của mình, từ đó tạo ấn tượng tích cực với đối tượng mục tiêu. Hãy cùng khám phá 9  màu sắc thường được sử dụng trong Branding và những yếu tố về mặt tâm lý học mà chúng tạo ra!

1. Tâm lý học về màu đỏ

  • Cảm xúc tích cực: phấn khích, năng lượng, đam mê
  • Cảm xúc tiêu cực: Tức giận, nguy hiểm, đau đớn

Những sắc thái đỏ rực rỡ ngay lập tức thu hút sự chú ý và truyền tải năng lượng trẻ trung và hiện đại. Chúng có tác dụng tốt trong việc xây dựng thương hiệu cho ngành giải trí, thể thao, sản phẩm cao cấp và các công ty công nghệ hướng đến hình ảnh sáng tạo (Netflix, Youtube, Nintendo,..). Màu đỏ cũng thúc đẩy sự thèm ăn, do đó được sử dụng làm màu chủ đạo trong thiết kế Brand Identity của các thương hiệu thức ăn nhanh (KFC, Burger King, Lotteria,..).

Ý nghĩa của màu đỏ cũng có sự khác nhau giữa nền văn hóa. Ở các nước phương Tây như Mỹ, màu đỏ khơi gợi sự phấn khích, năng lượng, và tình yêu, những yếu tố gắn liền với các ngày lễ Noel hay Valentine. Trong khi đó, màu đỏ ở các quốc gia phương Đông (Trung Quốc, Việt Nam) lại tượng trưng cho sự thịnh vượng. 

Tâm lý học về màu đỏ

2. Tâm lý học về màu cam

  • Cảm xúc tích cực: trẻ trung, năng động, lạc quan
  • Cảm xúc tiêu cực: thất vọng, thiếu trưởng thành, lo âu

Màu cam mang lại sự vui vẻ, năng động, và lạc quan. Nó có thể gợi lên cảm hứng sáng tạo, do đó thường được sử dụng trong những môi trường thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới. Cùng với màu đỏ và màu vàng, màu cam là màu được giới trẻ ưa thích nhất. Cũng vì vậy, Các thương hiệu như Fanta và Soundcloud sử dụng sắc cam trong logo của họ để thu hút tệp khán giả trẻ trung, tràn đầy năng lượng.

Tâm lý học về màu cam

3. Tâm lý học về màu vàng

  • Cảm xúc tích cực: ấm áp, lạc quan, hạnh phúc
  • Cảm xúc tiêu cực: khó chịu, lo lắng, hèn nhát

Màu vàng có thể tạo ra những tác động cảm xúc trái ngược nhau. Khi được sử dụng đúng cách, nó có thể mang đến sự ấm áp, lạc quan và hạnh phúc. Màu vàng tươi sáng tạo cảm giác thân thiện và trẻ trung (DHL, Best Buy và McDonald’s), trong khi đó những màu vàng dịu hơn truyền tải sự lạc quan và sáng tạo (IKEA và BIC).

Tuy nhiên, thương hiệu cần sử dụng màu vàng một cách cẩn thận và tiết chế. Nếu sử dụng quá nhiều hoặc không đúng cách (chẳng hạn như các gam màu sáng chói), nó có thể gây cảm giác  lo lắng, khó chịu và choáng ngợp cho người xem.

Tâm lý học về màu vàng

4. Tâm lý học về màu xanh lá cây

  • Cảm xúc tích cực: Tăng trưởng, đổi mới, bền vững 
  • Cảm xúc tiêu cực: Trì trệ, bệnh tật, ghê tởm

Màu xanh lá cây là màu phổ biến cho các thương hiệu cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe, và thân thiện với môi trường. Đây cũng là màu sắc được mọi người tin tưởng nhất vì ở mức độ nguyên thủy, màu xanh lá tạo cảm giác rằng chúng ta đang ở trong một môi trường dồi dào nước và thức ăn, hỗ trợ nhu cầu tồn tại và phát triển.

Giống như các màu khác, bạn phải cẩn thận khi lựa chọn các gam màu xanh lá. Các sắc thái sáng, rực rỡ hơn của màu xanh lá thường liên quan đến ô nhiễm hóa chất hoặc bệnh tật. Cũng vì vậy, chúng thường được sử dụng trong các áp phích cảnh báo về sức khỏe và an toàn.

Tâm lý học về màu xanh lá cây

5. Tâm lý học về màu xanh lam

  • Cảm xúc tích cực: Lòng tin Trung thành, tin cậy, yên bình 
  • Cảm xúc tiêu cực: Lạnh lùng, xa cách, buồn bã

Về bản chất, màu xanh lam tạo ra một vẻ tĩnh lặng và thanh bình của đại dương. Trong thiết kế Brand Identity, màu xanh lam được sử dụng vô cùng phổ biến trong lĩnh vực công nghệ (Facebook, Samsung & IBM), khi nó mang lại cảm giác minh bạch, hiện đại và an toàn.

Kết hợp màu xanh lam với các sắc thái khác nhau của màu xám có thể làm cho thiết kế trông bóng bẩy và hiện đại hơn. Trong khi đó, các gam màu xanh nhạt hơn chủ yếu được sử dụng cho các Brand thiên về về sức khỏe, du lịch và thư giãn.

Tâm lý học về màu xanh lam

6. Tâm lý học về màu hồng 

  • Cảm xúc tích cực: Nữ tính, đổi mới trẻ trung.
  • Cảm xúc tiêu cực: lật lọng, bốc đồng, xấu hổ

Màu hồng được sử dụng phổ biến cho các thương hiệu dành cho nữ giới. Sắc hồng thể hiện sự nữ tính vô cùng rõ rệt và truyền cảm hứng về sự đổi mới và sáng tạo. Đây cũng là một sắc màu rất thu hút, phù hợp với các thương hiệu hướng đến mục tiêu phá vỡ những khuôn mẫu và nổi bật hơn so với đối thủ cạnh tranh. 

Một ví dụ điển hình là T-Mobile khi thương hiệu này đã sử dụng màu hồng trong thiết kế Brand Identity để tạo sự khác biệt so với các nhà cung cấp dịch vụ di động.

Màu hồng cũng phát huy hiệu quả rất tốt khi đóng vai trò như một màu đi kèm. Nó mang lại cảm giác trẻ trung cho thương hiệu, nhưng cần lưu ý vì nếu sử dụng quá mức có thể tạo cảm giác lập dị và choáng ngợp.

Tâm lý học về màu hồng

7. Tâm lý học về màu tím

  • Cảm xúc tích cực: Sang trọng, giàu trí tưởng tượng, tham vọng
  • Cảm xúc tiêu cực: Kém cỏi, sợ hãi, chán chường

Trên quang phổ màu, màu tím có bước sóng ngắn nhất và cũng là màu cuối cùng mà con người nhìn thấy trước khi tiếp xúc với tia cực tím. Do vị trí này, nó có xu hướng đưa nhận thức lên mức độ suy nghĩ cao hơn, thúc đẩy khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng. Do đó, màu tím thường được sử dụng trên bao bì đồ chơi và kẹo dành cho trẻ em.

Vì màu tím rất gần với màu hồng trên bảng màu, nên cũng thường được sử dụng cho các sản phẩm dành cho nữ giới. Do đó, nếu đối tượng mục tiêu của bạn tập trung vào nam giới hơn, tốt nhất bạn nên hạn chế hoặc tránh sử dụng màu tím cho Brand của mình.

Ngoài ra, màu tím cũng tượng trưng cho sự sang trọng và giàu có. Vì vậy, những thương hiệu xa xỉ hoặc tự ví mình như hoàng gia thường sử dụng màu tím cho các thiết kế của mình.

Tâm lý học về màu tím

8. Tâm lý học về màu đen

  • Cảm xúc tích cực: Quyền lực, sang trọng, chất lượng 
  • Cảm xúc tiêu cực: Áp bức, lạnh lùng, tang tóc

Màu đen mang đến một phong thái thanh lịch và đẳng cấp cho các sản phẩm. Cũng vì vậy, các thương hiệu xa xỉ như Chanel, Prada, Gucci lựa chọn màu này cho Brand của mình. Trong khi đó, khi sắc đen kết hợp với màu trắng sẽ mang lại vẻ ngoài tối giản cho thương hiệu, trong đó Apple là một ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng màu đen có liên quan đến cái chết và tang tóc. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng nó cho các thương hiệu về sức khỏe.

Tâm lý học về màu đen

9. Tâm lý học về màu trắng (Các thương hiệu logo trắng – đen)

  • Cảm xúc tích cực: Sạch sẽ, trong trẻo, tinh khiết
  • Cảm xúc tiêu cực: Lạnh lùng, thiếu thân thiện, trống rỗng

Như đã đề cập ở trên, màu trắng thường được kết hợp với sắc đen, nhằm tạo ra sự tương phản và cân bằng. Sự kết hợp này mang tính cổ điển và vượt thời gian, truyền tải cảm giác tinh tế, sang trọng và hiện đại. Ngoài ra, màu trắng cũng mang lại sự tươi mới và tinh khiết cho các sản phẩm về sức khỏe và đồ uống. Tuy nhiên, khi được sử dụng không đúng cách, màu trắng có thể tạo cảm giác nhạt nhẽo, gợi lên sự trống rỗng và cô lập.

Tâm lý học về màu trắng

Có thể bạn muốn xem thêm về: 

Nguyên tắc phối màu hiệu quả trong thiết kế Brand Identity

Trong phối màu có một quy tắc mang tên “60-30-10” được áp dụng rộng rãi trong việc phân bổ tỷ lệ màu sắc trong thiết kế nhận diện thương hiệu. Với quy tắc này, gam màu chủ đạo (dominant color) sẽ chiếm 60% không gian thiết kế, 30% sẽ dành cho gam màu phụ (sub-dominant color) và 10% còn lại sẽ thuộc về màu nhấn (accent color).

Sau khi sử dụng tâm lý học để chọn ra gam màu chính cho thương hiệu của mình, hãy cùng tìm hiểu các nguyên tắc phối màu và tìm ra các gam màu phụ để tạo nên một Bảng màu (Color Scheme) thật sự nổi bật và hài hòa cho “Brand” của bạn nhé!

Nguyên tắc phối màu hiệu quả trong thiết kế Brand Identity

1. Phối màu đơn sắc (Monochromatic)

Như tên gọi, “Monochromatic” là phương pháp phối màu bằng cách kết hợp các shades, tints và tones khác nhau của một màu duy nhất. Cách phối màu đơn sắc mang lại sự thống nhất về mặt thị giác, tạo cảm giác êm đềm và thư thái. Nhờ vậy, bộ não của người xem sẽ không bị choáng ngợp bởi quá nhiều nhận thức về màu sắc, từ đó có thể tiếp thu các thông tin nhanh hơn.

Brand Identity Avesha

Ví dụ về phối màu tương đồng: Avesha

2. Phối màu tương đồng (Analogous)

Phối màu tương đồng được tạo nên bằng cách kết hợp một nhóm 3-5 màu liền kề nhau trên Bánh xe màu sắc. Các bảng màu “Analogous” tạo ra cái nhìn gắn kết và hài hòa hơn, mang lại cảm giác thống nhất về mặt thị giác. Các Designers thường sử dụng một trong những màu tương đồng làm màu chủ đạo, trong khi những màu còn lại làm màu nhấn (Accent color) nhằm đảm bảo tính cân đối trong thiết kế tổng thể. 

Chú thích: Màu nhấn là màu sắc được sử dụng hạn chế trong thiết kế. Mục đích nhằm thu hút sự chú ý, tạo điểm nhấn cho các yếu tố quan trọng hơn.

Brand Identity Pixm

Ví dụ về phối màu tương đồng: Pixm 

3. Phối màu bổ sung (Complementary)

Các bảng màu bổ sung (Complementary color scheme) được tạo nên bằng cách phối 2 màu đối diện nhau trên Bánh xe màu sắc (đỏ – xanh lục, xanh lam – cam hay vàng – tím), nhằm tạo độ tương phản cho thiết kế. 

Khi đặt các màu bổ sung gần nhau, sự khác biệt về cường độ làm cho chúng trông sắc nét hơn. Sự kết hợp cũng làm tăng cảm nhận về độ bão hòa, khi mỗi màu sẽ được cải thiện bởi màu kia và làm nổi bật lẫn nhau.

Brand Identity Tryloka

Ví dụ về phối màu bổ sung: Tryloka

4. Phối màu bộ ba (Triadic)

Triadic color scheme là sự kết hợp giữa 3 “hues” cách đều nhau trên Bánh xe màu sắc. Điều này có nghĩa, khi bạn nối 3 màu đã chọn bằng các đường thẳng, chúng sẽ tạo thành một tam giác đều. Phối màu bộ ba mang lại một số lợi thế trong thiết kế, bao gồm: 

  • Mang lại sự cân bằng và hài hòa về màu sắc (color harmony) vì các gam màu sử dụng được phân bổ đều trên bánh xe màu. 
  • Tạo ra mức độ tương phản cao, giúp các yếu tố thiết kế trông nổi bật hơn và thu hút sự chú ý của người xem. 
  • Mang đến sự linh hoạt và không sáng tạo lớn hơn cho Designers, khi có thể kết hợp nhiều màu sắc khác nhau trong thiết kế.

Brand Identity BurgerKing

Ví dụ về phối màu bộ ba: BurgerKing

5. Phối màu chữ nhật (Tetradic)

Các bảng màu chữ nhật (Tetradic color scheme) được tạo ra bằng cách kết hợp 4 màu cách đều nhau trên “Color wheel”.  Về bản chất, bảng màu chữ nhật là sự kết hợp của 2 nhóm màu bổ sung. Tetradic color scheme tạo nên một “vibe” ồn ào và vui nhộn. Sự sống động của chúng làm cho các thiết kế trở nên nổi bật hơn trong mắt người xem.

Brand Identity Google & Microsoft

Ví dụ về phối màu bổ sung: Google

Tạm kết

Trên đây là các nguyên lý cơ bản, các yếu tố tâm lý học đằng sau 10 gam màu phổ biến nhất, cũng như 5 nguyên tắc phối màu trong thiết kế Brand Identity.

Việc ứng dụng hiệu quả các nguyên tắc phối màu trên các Ấn phẩm truyền thông (Digital assets) sẽ góp phần tạo nên một Bộ nhận diện thương hiệu thống nhất và thu hút đối tượng mục tiêu.

Tuy nhiên, từ những yếu tố tâm lý học kể trên, bạn không nên gò bó vào những khuôn mẫu màu sắc trong thiết kế Brand Identity! Ví dụ: Nếu công ty bạn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, điều đó không đồng nghĩa với việc bạn phải  chọn sắc “blue” làm màu chủ đạo. Điều này vô tình lại khiến thương hiệu của bạn thiếu nổi bật, và lọt thỏm giữa vô vàn thương hiệu lớn hơn trên thị trường. 

Cần hiểu rằng: Quyết định lựa chọn bảng màu chính cho thiết kế Brand Identity sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như Thông điệp và giá trị thương hiệu, Nhóm khách hàng mục tiêu, cũng như Xu hướng ngành. Việc cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn được bảng màu phù hợp, phản ánh bản sắc thương hiệu và tăng cường độ nhận diện mạnh mẽ cho thương hiệu.

Nếu bạn đang trong quá trình Branding / Rebranding/ Brand Audit, hãy liên hệ với đội ngũ của Lollypop Vietnam để được tư vấn miễn phí và tìm ra bộ nhận diện thương hiệu phù hợp nhất với phong cách của riêng bạn nhé!

 

Image