Image
Blogs

Phân biệt thiết kế website thương mại điện tử B2B và B2C

Posted on  22 March, 2024
logo

Trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ tại Việt Nam, thiết kế website chính là yếu tố then chốt để doanh nghiệp thu hút khách hàng, nâng cao uy tín thương hiệu và giành lợi thế so với đối thủ cạnh tranh, bất kể mô hình doanh nghiệp! 

Theo nghiên cứu từ Social Media Today và WebFXResearch, 94% ấn tượng đầu tiên của người dùng đối với website xuất phát từ yếu tố thẩm mỹ. Thậm chí, 75% mức độ tin cậy mà người dùng cảm nhận từ một website cũng được đánh giá dựa trên sự chuyên nghiệp về mặt thiết kế.

Tuy nhiên, các mô hình doanh nghiệp như B2B hay B2C sẽ có những khác biệt nhất định, chẳng hạn như về đối tượng người dùng hay quy trình mua bán! Điều này đòi hỏi các thiết kế Website cũng cần phải tinh chỉnh về về Giao diện người dùng (UI) và Trải nghiệm người dùng (UX) nhằm tối ưu hiệu quả chuyển đổi. 

Trong bài viết này, hãy cùng Lollypop Design Studio tìm hiểu sự khác nhau trong thiết kế website B2B và B2C, cũng như các yếu tố giúp tối ưu trải nghiệm người dùng của mỗi mô hình doanh nghiệp!

Điểm khác biệt giữa mô hình thương mại điện tử B2B và B2C là gì?

Điểm khác biệt giữa mô hình thương mại điện tử B2B và B2C không chỉ đơn thuần ở đối tượng khách hàng, mà còn ở cách tiếp cận và tạo trải nghiệm cho người dùng.

Mô hình B2B (Business to Business) liên quan đến các giao dịch giữa các doanh nghiệp, như nhà sản xuất, đại lý buôn bán sỉ và các đối tác thương mại khác. Các giao dịch B2B thường có giá trị lớn, chu kỳ bán hàng dài hơn và có nhiều bước đàm phán phức tạp. Do đó, website B2B được thiết kế để tối ưu hóa cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp.

Các trang web B2B ở Việt Nam bao gồm: VinShop, Sapo, Telio, Bách Hóa Việt,…

Ngược lại, mô hình B2C (Business to Consumer) tập trung vào việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng cá nhân. Các giao dịch B2C thường có giá trị đơn hàng nhỏ hơn, nhưng có thể lặp lại nhiều lần. Vì vậy, website B2C cũng sẽ chú trọng hơn vào trải nghiệm người dùng và các chiến lược Marketing.

Các trang web TMĐT B2C ở Việt Nam bao gồm: Shopee, Lazada, Thế giới di động, CellphoneS,…

So sánh sự khác nhau trong thiết kế website B2B và B2C

So sánh thiết kế website B2B và B2C

Mỗi loại hình website B2B và B2C được thiết kế để phục vụ các mục tiêu kinh doanh và hướng đến đối tượng khách hàng khác nhau. Bởi vậy, chúng sẽ có những điểm khác biệt rõ rệt về cấu trúc, nội dung và chức năng. Dưới đây là một số điểm khác biệt chính giữa website TMĐT B2B và B2C.

1. Đối tượng Khách Hàng 

Website B2B thường nhắm đến các doanh nghiệp, tổ chức, bao gồm cả nhà sản xuất, nhà bán sỉ và các đối tác thương mại. Mặc dù số lượng khách hàng B2B có thể không lớn, nhưng giá trị từng giao dịch thường cao hơn đáng kể so với mô hình B2C. Quy trình quyết định mua hàng trong môi trường B2B thường phức tạp và đa tầng, đòi hỏi nhiều bước xem xét, so sánh và thương lượng. 

Trái lại, website B2C hướng đến khách hàng cá nhân và thường cho phép mua hàng ẩn danh với những đơn hàng có giá trị không quá cao. Trang web B2C thường tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm dễ sử dụng, với giao diện bắt mắt và hình ảnh sản phẩm hấp dẫn. Quy trình mua hàng của khách hàng B2C thường đơn giản và nhanh chóng hơn so với B2B, do tính độc lập trong việc ra quyết định mua hàng.

2. Giao diện và Tính năng

Về mặt giao diện và tính năng, các trang web B2B thường có xu hướng đề cao tính chuyên nghiệp và bố cục rõ ràng nhằm giúp khách hàng dễ dàng tìm kiếm thông tin và thực hiện tác vụ thuận tiện. Website B2B thường tích hợp các tính năng phức tạp cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như quản lý tài khoản, theo dõi đơn hàng, quản lý kho hàng, tích hợp hệ thống CRM,… Vì yêu cầu đặc thù cần tham khảo kỹ lưỡng trước khi doanh nghiệp đưa ra quyết định hợp tác, nên những thông tin chi tiết về sản phẩm/dịch vụ, thông số kỹ thuật, tài liệu hướng dẫn, case study cần được nêu rõ trên website B2B.

Trong khi đó, Website B2C đặc biệt chú trọng vào thiết kế gây ấn tượng và trải nghiệm người dùng mượt mà, qua việc sử dụng hình ảnh và video chất lượng cao để trình bày sản phẩm và dịch vụ. Những tính năng nổi bật như thêm vào danh sách yêu thích, review đánh giá sản phẩm không chỉ giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn mà còn tăng khả năng “chốt đơn” nhờ vào quy trình mua hàng tiện lợi và thông minh.

Hãy xem qua ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về cách thiết kế và tính năng được tùy chỉnh đặc biệt cho Amazon (B2C) và Amazon Business (B2B).

Amazon B2C vs Amazon B2B

  • Thanh điều hướng: Amazon với thiết kế thanh điều hướng tổng quát hơn với các danh mục phổ biến như mặt hàng “Điện tử”, “Sách”, “Thời trang”, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng của khách hàng cá nhân. Ngược lại,Amazon Business tập trung vào nhu cầu của doanh nghiệp với thanh điều hướng được sắp xếp theo ngành hàng (Industries) cụ thể như “Văn phòng phẩm”, “Công nghiệp & Khoa học”, giúp doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm sản phẩm phù hợp.
  • Quản lý tài khoản: Vì hướng đến đối tượng khách hàng cá nhân nên phần quản lý tài khoản của Amazon được thiết kế cơ bản, không đi sâu vào các tính năng phức tạp. Trong khi đó, Amazon Business cung cấp tính năng quản lý tài khoản nâng cao, cho phép doanh nghiệp theo dõi chi tiêu, lịch sử mua hàng và thiết lập phân quyền cho các tài khoản khác như người mua, quản trị viên, người phê duyệt thanh toán, giúp doanh nghiệp quản lý chi tiêu và vận hành hiệu quả.

3. Nội dung Website

Trong quá trình mua sản phẩm hoặc dịch vụ B2B, khách hàng doanh nghiệp cần thời gian xem xét kỹ lưỡng. Để tăng tính thuyết phục, các công ty B2B thường xuyên cập nhật nội dung trên web, bao gồm các tuyến nội dung như hướng dẫn mua hàng chi tiết, video giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp, case study thực tế và bài viết chuyên ngành. Mục đích là cung cấp thông tin và phát triển mối quan hệ, giúp khách hàng nhận thức giá trị và hiệu quả của sản phẩm/dịch vụ.

Ngược lại, hành trình mua hàng B2C thường diễn ra nhanh chóng và dựa vào yếu tố cảm xúc. Các website B2C thu hút khách hàng nhờ tối ưu các nội dung này trên website: hình ảnh sản phẩm chất lượng cao, khuyến mãi hấp dẫn, đánh giá và bình luận của khách hàng, bằng chứng xã hội (Social Proof) dưới dạng bình luận và video đánh giá. 

Ở Việt Nam, các sàn thương mại điện tử hàng đầu như Shopee, Lazada và Tiki đã áp dụng các dạng nội dung kể trên để nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng, tăng sự hài lòng, và thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của ngành E-commerce tại Việt Nam. Theo VnEconomy, ngành thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt doanh thu 14,7 tỷ USD (2024) và 23,77 tỷ USD (2029).

4. Mô hình giá

Trong môi trường B2B, các doanh nghiệp thường áp dụng mô hình giá linh hoạt dựa trên giá trị của từng đơn hàng, tránh hiển thị giá trực tiếp, để mở ra cơ hội trao đổi và thương lượng. 

Trái lại, giá của sản phẩm/dịch vụ trong môi trường B2C thường được niêm yết công khai trên website, kèm theo đó là những mã giảm giá, khuyến mãi theo mùa và các chương trình ưu đãi đặc biệt để kích cầu mua sắm.

Trong ví dụ trên về Amazon và Amazon Business, cả hai đều cung cấp mức giá cạnh tranh, tuy nhiên Amazon Business cung cấp các tính năng đặc biệt như báo giá theo số lượng (mua càng nhiều, giá càng ưu đãi) và chiết khấu theo khối lượng (giảm giá khi mua hàng với giá trị lớn). Ngoài ra, các tổ chức thỏa điều kiện còn được hưởng ưu đãi miễn thuế khi mua hàng trên Amazon Business, một chính sách ưu đãi giúp tiết kiệm đáng kể chi phí, nhưng không áp dụng cho khách hàng cá nhân trên Amazon.

5. Quy trình Thanh toán

Trên các website B2B, quy trình thanh toán thường kết hợp giữa các bước tự động hóa và tư vấn trực tiếp từ đội ngũ nhân viên kinh doanh B2B, thể hiện qua các tiện ích/tính năng như:

  • Các buổi demo sản phẩm, cuộc gọi điện thoại và trò chuyện video để giải đáp thắc mắc, hỗ trợ khách hàng đưa ra quyết định.
  • Tính năng đặt hàng lại chỉ với một cú nhấp chuột cho các đơn hàng định kỳ.
  • Đa dạng phương thức thanh toán (Thẻ tín dụng, thanh toán ACH, séc,…).

Trong khi đó, quy trình thanh toán B2C thường được thực hiện một cách trực tiếp và đơn giản. Khách hàng chọn sản phẩm, thêm vào giỏ hàng, nhập mã giảm giá, xác nhận địa chỉ giao hàng, xác nhận đơn hàng và thanh toán. Các tính năng phổ biến trên các website B2C bao gồm:

  • Thêm nhiều sản phẩm cùng lúc vào giỏ hàng
  • Tính năng nhắc nhở để ngăn chặn giỏ hàng bị bỏ quên
  • Áp dụng mã giảm giá và mã giới thiệu
  • Đa dạng phương thức thanh toán tiện lợi (thẻ tín dụng/ghi nợ, ví điện tử, COD…)

Trong trường hợp của Amazon và Amazon Business, cả hai đều yêu cầu người dùng tạo tài khoản để mua hàng. Tuy nhiên, Amazon Business yêu cầu thêm một số thông tin bổ sung như tên doanh nghiệp và mã số thuế. Về phương thức thanh toán, Amazon Business cung cấp nhiều lựa chọn linh hoạt hơn như thanh toán bằng PO (purchase order – đơn đặt hàng), thanh toán tín dụng linh hoạt và thanh toán theo hóa đơn. Điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý dòng tiền và việc thanh toán trở nên linh hoạt hơn, cho phép họ thanh toán dựa trên các điều kiện và thỏa thuận đã được đặt ra.

5 Tips Thiết Kế Website giúp nâng cao Trải Nghiệm Người Dùng

Khi thiết kế và xây dựng một website, việc ưu tiên tối ưu trải nghiệm người dùng (UX) luôn đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Ngoài những kỹ thuật phổ biến như tối ưu hóa giao diện cho các thiết bị di động (Responsive design), sử dụng hình ảnh chất lượng cao, hoặc tích hợp các yếu tố Social Proof (ý kiến nhận xét, đánh giá của khách hàng, Case Study, v.v.), để Lollypop bật mí cho bạn thêm 5 tips thiết kế có thể giúp website e-commerce của bạn trở nên khác biệt, từ đó gia tăng khả năng bán hàng hiệu quả!

1. Tận dụng Micro-interaction (Tương tác nhỏ)

Tận dụng Micro-interaction

Micro-interaction – Techspeed

Micro-interaction là những tương tác nhỏ trên website đồng thời cũng là một trong những xu hướng thiết kế website năm 2024. Chúng đóng vai trò như các tín hiệu trực quan và hoạt ảnh sinh động để phản hồi cho người dùng khi họ tương tác với website. Không chỉ dừng lại ở việc thu hút sự chú ý, những micro-interaction này nâng tầm trải nghiệm duyệt web, cải thiện điều hướng để tạo ra một giao diện người dùng thân thiện và dễ sử dụng.

Khi được thực hiện đúng cách, micro-interaction có thể mang lại ảnh hưởng lớn đến cách người dùng nhận thức và tương tác với thương hiệu. Người dùng đôi khi không thể lý giải tại sao họ cảm thấy vui thích hay khó chịu khi trải nghiệp một Website/App, nhưng chính những ấn tượng nhỏ bé này có thể quyết định trải nghiệm tổng thể của họ.

2. Sử dụng khoảng trắng (White Space) hợp lý

White Space

White Space – Apple Vietnam

Khoảng trắng (White Space) không chỉ đơn thuần là phần không gian trống xung quanh các phần tử trong thiết kế mà còn là yếu tố làm nổi bật sự tinh tế và tính chuyên nghiệp của website. Sử dụng khoảng trắng khéo léo, doanh nghiệp có thể làm cho nội dung của mình trở nên dễ đọc hơn, đồng thời cho phép người dùng tập trung vào những thông tin quan trọng.

Theo thống kê của Crazy Egg, việc bố trí khoảng trắng xung quanh văn bản và tiêu đề có thể tăng sự chú ý của người dùng lên tới 20%, qua đó nâng cao mức độ tương tác trên website. Ngoài ra, khoảng trắng cũng mang lại cảm giác tươi mới và hiện đại, mang lại một hình ảnh thương hiệu tích cực đến người dùng.

Lưu ý: Nếu sử dụng quá nhiều khoảng trắng có thể vô tình bỏ sót một số thông tin giá trị! Vì vậy, các doanh nghiệp B2B và B2C cần tìm ra sự cân bằng để bố trí nội dung và khoảng trắng cho phù hợp.

3. Tối ưu Tiêu Đề và Thiết Kế 

Tối ưu Tiêu Đề và Thiết Kế 

Tối ưu Tiêu Đề và Thiết Kế – Lollypop 

Trong thiết kế website chuẩn SEO, tiêu đề đóng vai trò quan trọng trong việc điều hướng người dùng ghé thăm website của doanh nghiệp. Việc sáng tạo các tiêu đề hấp dẫn giúp thông tin trở nên dễ tiếp cận hơn, giúp người dùng tìm thấy chính xác những gì họ cần một cách nhanh chóng. 

Các công cụ tìm kiếm đặc biệt coi trọng tiêu đề! Vì vậy, hãy xác định các từ khóa (keywords) và thêm vào trong tiêu đề. Chúng sẽ giúp thu hút đúng đối tượng khách hàng mục tiêu và nâng cao thứ hạng website trên công cụ tìm kiếm.

4.  Đặt Thanh Điều Hướng Hành Động ở góc phải

Đặt Thanh Điều Hướng Hành Động ở góc phải

Thanh Điều Hướng – Awwwards

Mọi người thường có thói quen đọc từ trái sang phải! Do đó, khi thiết kế thanh điều hướng (Navigation bar), hãy bố trí thông tin một cách chiến lược: 

  • Bên trái màn hình: Đặt các danh mục cung cấp thông tin như “Giới Thiệu” hay “Sản Phẩm”, nhằm giúp khách hàng dễ dàng bắt đầu hành trình khám phá. Bên cạnh đó, đặt nút liên kết về trang chủ ở phía ngoài cùng cũng sẽ giúp người dùng quay về điểm bắt đầu nhanh chóng hơn. 
  • Bên phải màn hình: Đặt các nút kêu gọi hành động (CTA) như “Liên Hệ” hay “Đặt Hàng”, nhằm thúc đẩy khách hàng ra quyết định sau khi đã thu thập đầy đủ thông tin.

Bằng cách tuân theo các gợi ý đơn giản này, bạn có thể tối ưu hóa thanh điều hướng của mình để trở nên thông minh hơn, trải nghiệm duyệt web mượt mà hơn.

5. Tăng Cường Độ Tin Cậy với Hình Ảnh Người Thật

Tăng Cường Độ Tin Cậy với Hình Ảnh Người Thật

Tích hợp hình ảnh người thật- VinShop

Nghiên cứu của VWO đã chỉ ra rằng, việc tích hợp hình ảnh của người thật vào website không chỉ làm tăng cảm giác gần gũi, mà còn nâng cao độ tin cậy trong mắt khách truy cập từ lần đầu tiên. Tương tự, một nghiên cứu khác cho thấy việc thêm một bức ảnh người thật vào trang đích đã làm tăng tỷ lệ chuyển đổi lên tới 102,5%. 

Những phát hiện này cho thấy hiệu quả của việc sử dụng hình ảnh người thật có tác động tích cực đến tâm lý khách truy cập, góp phần ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và đánh giá độ tin cậy thông qua những hình ảnh đó.

Lưu ý: Sử dụng nguồn ảnh nhân viên công ty hoặc khách hàng thực tế có thể là những sự lựa chọn tốt, tuy nhiên nên tránh sử dụng ảnh stock (ảnh có sẵn) vì khách truy cập có thể nhận ra được sự khác biệt, điều này có thể làm giảm uy tín của doanh nghiệp trong mắt khách hàng.

Lời kết

Việc thiết kế website sàn thương mại điện tử không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo mà còn yêu cầu sự am hiểu về tính đặc thù của từng mô hình doanh nghiệp, dù là B2B hay B2C. 

Tại Lollypop Vietnam, chúng tôi không chỉ nhận thức được điều này mà còn cam kết đem đến các giải pháp cá nhân hóa, giúp tối ưu hành trình người dùng (User Journey). Với bề dày kinh nghiệm hơn 10 năm trong ngành thiết kế UI UX, Lollypop Vietnam đã trở thành công ty thiết kế website chuyên nghiệp cho nhiều doanh nghiệp B2C và B2B trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bạn đang tìm kiếm một đối tác chuyên thiết kế website thương mại điện tử, đáp ứng chính xác yêu cầu của thị trường B2C và B2B? Hãy liên hệ ngay với Lollypop Vietnam để được tư vấn sâu về giải pháp thiết kế dành riêng cho doanh nghiệp của bạn!

Image